Sau nhiều lần soạn thảo, lấy ý kiến, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung thêm hình thức đấu thầu qua mạng. Sự bổ sung này bắt nguồn từ những lợi ích lớn mà phương thức đấu thầu này đem lại sau hơn 3 năm thí điểm.
Theo ông Nguyễn Sơn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), đấu thầu qua mạng đã góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh để các gói thầu có giá phù hợp nhất, tăng hiệu quả đầu tư.
Đây là phương thức quan trọng được kỳ vọng để ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ và phá vỡ tình trạng thiếu cạnh tranh, đấu thầu theo kiểu hình thức, khép kín như hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kiểm soát phương thức đấu thầu này như thế nào để không “lợi bất cập hại”. Thực tiễn thí điểm đã chỉ ra rằng, ban hành các quy định cụ thể về tỷ lệ đấu thầu qua mạng là yêu cầu cấp thiết để không xuất hiện “lỗ hổng mới” cho các nhóm lợi ích lợi dụng.
Theo một số chuyên gia, nên quy định cụ thể tỷ lệ dự án của địa phương phải thực hiện đấu thầu qua mạng vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là cách để phát triển hình thức đấu thầu qua mạng (trước tiên là 30 - 40% và tăng dần theo từng giai đoạn).
Bên cạnh đó, ban hành những chế tài rõ ràng, cụ thể đối với các gói thầu quy định đấu thầu qua mạng. Quy định trách nhiệm của các bên mời thầu, như cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia đấu thầu các dự án của đơn vị đó. Có thể áp dụng chế tài “không công nhận kết quả trúng thầu” nếu bên mời thầu không tuân thủ quy định về đấu thầu qua mạng.
Ngoài ra, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng; trình tự đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất… cũng nên quy định chi tiết trong luật. Nếu không, đấu thầu qua mạng sẽ là kẽ hở cho các hành vi thông đồng, dàn xếp như đã từng xảy ra đối với hình thức chỉ định thầu.
Nguồn: Báo Công Thương